TRƯỜNG THPT DƯƠNG QUẢNG HÀM VỚI VIỆC QUẢN LÝ, DẠY HỌC QUA INTERNET, TRÊN TRUYỀN HÌNH ĐỢT NGHỈ DỊCH COVID- 19 NĂM HỌC 2019-2020
TRƯỜNG THPT DƯƠNG QUẢNG HÀM VỚI VIỆC
QUẢN LÝ, DẠY HỌC QUA INTERNET, TRÊN TRUYỀN HÌNH
ĐỢT NGHỈ DỊCH COVID- 19 NĂM HỌC 2019-2020
Thực hiện công văn 1061/ BGDĐT –GDTrH của Bộ GD ĐT, công văn 54/ KH-UBND của tỉnh Hưng Yên, công văn 546/SGDĐT-GDTrH-GDTX của Sở GDĐT Hưng Yên về tổ chức dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học phòng chống dịch covid -19. Trường THPT Dương Quảng Hàm đã tích cực chỉ đạo và triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, dạy học qua internet, trên truyền hình đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường đem lại hiệu quả tích cực.
Đ/c Hiệu trưởng - Lý Chí Hướng họp trực tuyến toàn trường về công tác phòng chống dịch Covid-19 và triển khai các hoạt động trong thời gian nghỉ phòng chống dịch.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19 học sinh các trường trong cả nước nói chung và học sinh THPT nói riêng được nghỉ học dài ngày. Không để các em bị gián đoạn kiến thức, quên thói quen học bài, đồng thời giúp các bậc phụ huynh an tâm về chuyện học tập của các con nên ngay từ đợt nghỉ dịch đầu tiên, Ban giám hiệu trường THPT Dương Quảng Hàm đã xây dựng kế hoạch tự học ở nhà cho học sinh toàn trường và dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình. Ban giàm hiệu cũng xác định hình thức dạy học này là cơ hội tốt để thầy cô và các em học sinh tiệm cận ứng dụng các thành tựu của công nghệ hiện đại vào dạy học, đổi mới phương pháp dạy học trong thời đại công nghệ 4.0. Để việc triển khai tự học ở nhà, học qua internet, học trên truyền hình có hiệu quả Hiệu trưởng nhà trường đã chỉ đạo thực hiện, phân công cụ thể công việc đối với từng bộ phận như sau:
Đối với Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cần thường xuyên cập nhật thông tin, các văn bản chỉ đạo của cấp trên để tuyên truyền kịp thời tới phụ huynh, học sinh, các tổ chuyên môn trong nhà trường; Lập kế hoạch chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể đến các tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường; Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các tổ chuyên môn, các bộ phận, các cá nhân trong nhà trường và có rút kinh nghiệm, phê bình và khen thưởng kịp thời những điển hình trong giáo viên và học sinh về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học qua internet
Đ/c Nguyễn Văn Hải –Tổ trưởng tổ Lý - Hóa phát biểu trực tuyến trong cuộc họp BCM về dạy học qua internet và trên truyền hình
Thành lập một nhóm Kỹ thuật dạy Online gồm một số thầy cô tinh nhạy công nghệ thông tin chuyên nghiên cứu các phần mềm dạy học miễn phí được đăng tải trên mạng sau đó bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật dạy học qua internet cho CBGV. Các phần mềm có thể tổ chức dạy học, giao bài tập qua Internet hiệu quả như: Online Math, Zoom Meeting, Viettel study, Meet.google.com, TranS, Office 365 online… Ngoài ra, có thể sử dụng dạy học qua các trang mạng xã hội: Zalo, Viber, Messenger... Các hình thức này cho phép học sinh nghỉ ở nhà nhưng vẫn có thể tương tác với thầy cô, nhận nhiệm vụ học tập, được giáo viên chấm bài, chữa bài và thông báo kết quả học tập với các bậc phụ huynh. Ban chuyên môn cử bốn giáo viên dạy thực nghiệm các phần mềm: Thầy Trần Huy Tuân dạy trên phần mềm TranS, Thầy Đỗ Trung Hiếu dạy bằng phần mềm Meet, Cô Đào Thị Phương Liên dạy bằng phần mềm Zoom Meeting , Cô Triệu Thị Dịu dạy thử phần mềm Office 365 online. Sau khi dạy thực nghiệm nhà trường dựa vào ưu điểm hạn chế của các phần mềm để lựa chọn phần mền có tính ưu việt, phù hợp triển khai đồng bộ đến toàn thể giáo viên và học sinh đó là phần mềm Office 365 online .
Hình ảnh cô Đào Thị Phương Liên ứng dụng phần mềm Zoom Meeting dạy học môn Toán
Hình ảnh thầy Trần Huy Tuân ứng dụng phần mềm TranS dạy học môn Vật lý
Hình ảnh thầy Triệu Thi Dịu ứng dụng phần mềm Office 365 dạy học môn Hóa
Hình ảnh thầy Đỗ Trung Hiếu ứng dụng phần mềm Meet dạy học môn Toán
Ban giám hiệu yêu cầu các Tổ chuyên môn khi có kế hoạch của Sở GD& ĐT về dạy trên truyền hình Hưng Yên, Tổ trưởng họp nhóm chuyên môn bằng hình thức trực tuyến để giáo viên của tổ cùng xây dựng bài dạy, phân công giáo viên cốt cán dạy, ghi hình thử tại trường để rút kinh nghiệm, sau đó mới ghi hình chính thức tại truyền hình Hưng Yên; Đối với việc dạy trong phạm vi nhà trường Tổ trưởng phân công các giáo viên bộ môn xây dựng bài giảng qua video; xây dựng ngân hàng đề theo từng chương, bài học để nộp về Ban chuyên môn đăng trên website, đăng trong trang mạng Online Math. Tổ trưởng kiểm duyệt các video bài giảng của giáo viên bộ môn; theo dõi, kiểm tra, đánh gia quá trình thực hiện nhiệm vụ của giáo viên, có nhận xét và đề xuất về Ban chuyên môn việc phê bình hoặc khen thưởng giáo viên của tổ trong quá trình thực hiện.
Đối với Giáo viên chủ nhiệm lớp nhanh chóng thống kê số phụ huynh học sinh sử dụng điện thoại thông minh, ipad, máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay hay những thiết bị có thể kết nối mạng internet của lớp mình báo cáo về Ban chuyên môn trước khi thực hiện việc dạy học qua internet, qua truyền hình để nhà trường nắm được số lượng học sinh tham gia được, số học sinh không tham gia được để có giải pháp phù hợp. Mỗi lớp GVCN thành lập forum riêng của mình (nhóm zalo) để phối hợp phụ huynh trong việc kiểm soát, điểm danh việc học của con mình. Giáo viên chủ nhiệm phải rà soát và đảm bảo kết nối bằng các hình thức với 100% phụ huynh, học sinh và các giáo viên bộ môn trong lớp chủ nhiệm; Nhận bài giảng video từ các giáo viên bộ môn, gửi vào forum của lớp; Nhận các phản hồi, kết quả học tập của học sinh; Trước khi diễn ra dạy học trên internet GVCN phải họp phụ huynh bằng hình thức trực tuyến để tuyên truyền về mục đích của học trực tuyến, trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập, sức khỏe của các con, và báo cáo kịp thời những khó khăn, bất thường về tình hình học tập và sức khỏe của học sinh trong đợt nghỉ dịch về Ban giám hiệu.
Với các giáo viên bộ môn, Ban chuyên môn yêu cầu khi soạn giảng, giao bài tập cần đảm bảo những kiến thức trọng tâm của bài dạy, phù hợp với tình hình học qua internet, qua truyền hình để truyền đạt đến học sinh một cách có hiệu quả nhất; Chuẩn bị và thực hiện các video bài giảng theo đúng chuẩn kiến thức kĩ năng; Lựa chọn những hình thức giảng dạy, tương tác để thu hút học sinh hào hứng tham gia học tập; Nội dung các nhiệm vụ được giao cho học sinh phải đảm bảo tính vừa sức, không mang tính hình thức, bài giảng có thể mang tính chất “học mà chơi, chơi mà học” giữa cô và trò nhưng vẫn đảm bảo hàm lượng kiến thức theo chuẩn kiến thức kỹ năng; Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; Phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh để nắm bắt tình hình học tập của các em. Căn cứ vào việc dạy học trực tuyến, giáo viên có thể theo dõi, kiểm tra bài làm của học sinh, dựa trên sản phẩm học tập học sinh đã nộp trên hệ thống lớp học để xem xét tính chuyên cần của các em vào cuối học kỳ và cuối năm học.
Với kế hoạch và phương pháp làm việc như trên, trong đợt nghỉ phòng chống dịch Covid- 19 vừa qua, trường THPT Dương Quảng Hàm đã làm đúng, làm tốt những chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng chống dịch như khử trùng trường học, các cuộc họp của nhà trường hầu hết diễn ra qua hình thức trực tuyến…; Ban chuyên môn triển khai có hiệu quả việc giao bài tập trên website nhà trường và học trên internet, trên truyền hình. Việc giao bài tập cho học sinh về nhà trên Website của nhà trường diễn ra từ tuần thứ 2 của đợt nghỉ dịch đầu tiên. Tính đến nay nhà trường không chỉ giao bài tập trên Website, Online Math theo thời khóa biểu mà còn tổ chức cho giáo viên toàn trường dạy học trực tuyến đối với khối lớp 10 và khối lớp 11. Nhà trường cũng thực hiện tốt chỉ đạo của Sở GD&ĐT về dạy học trên truyền hình Hưng Yên cho học sinh lớp 12. Sau mỗi buổi học trên truyền hình học sinh hoặc phụ huynh chụp ảnh vở ghi bài học tiết đó gửi vào Zalo cho GVCN điểm danh, tránh việc “sóng cứ phát mà không biết học sinh có theo dõi hay không”. ...Với hình thức làm việc như trên nhà trường nhận được nhiều phản hồi tích cực của học sinh và phụ huynh.
Hình ảnh học sinh tự học ở nhà qua truyền hình, qua internet
Bên cạnh những thuận lợi, những việc đã làm được, trong quá trình chỉ đạo thực hiện việc ứng dụng CNTT vào công tác dạy học qua internet, qua truyền hình chúng tôi nhận thấy vẫn còn những bất cập: Về tốc độ đường truyền đôi khi truy cập vào ứng dụng quá đông người nên đường truyền không ổn định. Các em học sinh chủ yếu học qua ứng dụng cài trên điện thoại, lại học nhiều môn nên tiêu tốn khá nhiều dung lượng, một số thiết bị của học sinh báo không đủ bộ nhớ lưu dữ liệu. Một số giáo viên lúng túng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy học trực tuyến, việc tương tác để phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh còn hạn chế. Bởi việc hình thành kỹ năng dạy học trực tuyến không thể ngày một ngày hai, mà phải được rèn luyện, tích lũy thường xuyên, lâu dài nên hiệu quả chưa như mong muốn. Một số gia đình hoàn cảnh khó khăn không có máy vi tính, điện thoại thông minh kết nối Internet. Một số phụ huynh đi làm, ít thời gian quan tâm đến việc học của con, thậm chí lo ngại các em lạm dụng, sa đà vào các trò chơi điện tử nên không tạo điều kiện tốt nhất cho con học trực tuyến.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự ra đời của mạng internet đã đem lại cho con người nhiều ứng dụng tiện ích. Trong đó, học trực tuyến trở thành một giải pháp của giáo dục tỉnh Hưng Yên cũng như cả nước trong tình hình đại dịch Covid-19 đang bùng nổ với diễn biến hết sức phức tạp. Xác định mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc học qua internet trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 mà còn duy trì lâu dài việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, trường THPT Dương Quảng Hàm quyết tâm không để học sinh nào “lùi lại phía sau”, không để thầy cô nào không được lên lớp dạy học trực tuyến trong những ngày nghỉ dịch. o
Tác giả: Lê Thị Quỳnh Sen
Ttâc
ảnh